Bất thường trên thị trường xăng dầu

Diễn biến bất thường trong việc mua/bán xăng dầu tại các cửa hàng xăng dầu trong thời gian qua đang đặt ra nhiều câu hỏi.

Có thể thấy những vấn đề “lạ” này thông qua bảng cân đối tổng quát tình hình sản xuất, nhập khẩu, xuất khẩu và sử dụng trong 5 tháng đầu năm 2020, có so sánh với cùng kỳ năm trước, không tính đến tồn kho đầu năm và cuối kỳ.

Việc treo biển không bán hoặc bán hạn chế tại các cửa hàng xăng dầu được coi là lạ, bởi hai yếu tố. Yếu tố thứ nhất là lượng xăng dầu dùng cho sử dụng cao hơn cùng kỳ năm trước tới 178,6 nghìn tấn, trong khi đó do tác động của dịch Covid-19 làm cho nhiều chỉ tiêu kinh tế – xã hội tăng chậm lại hoặc giảm xuống, thậm chí giảm sâu so với cùng kỳ năm trước.

Mua bán xăng tại của hàng trên đường Trần Hưng Đạo, Hà Nội. Ảnh: Phạm Hùng

Nhu cầu về xăng dầu giảm xuống. So với cùng kỳ năm trước, 5 tháng đầu năm nay, luân chuyển hành khách giảm sâu (32,1%), trong đó một số ngành vận tải còn giảm sâu hơn (hàng không giảm 50,3%, đường sắt giảm 38,2%); luân chuyển hàng hóa giảm 6,7% (trong đó hàng không giảm 47,9%).

Khi kiểm tra thực tế, đã phát hiện một số cơ sở kinh doanh xăng dầu không phải thiếu hàng, mà do găm hàng chờ tăng giá; sau khi giá xăng dầu được tăng lên thì không cửa hàng nào thông báo hết hàng, chứng tỏ có tình trạng găm hàng chờ tăng giá. Có điều là các thông báo hết hàng, bán hạn chế chỉ xuất hiện trong thời điểm tăng giá chỉ một vài ngày, thì do đâu? Không thể do dự đoán trùng hợp, nhưng nếu không phải do trùng hợp thì thông tin tăng giá của các cơ quan Nhà nước đã bị phát lộ từ đâu?

Yếu tố thứ hai là Việt Nam nếu sớm mở mặt trận thứ nhất, thì cũng là nước sớm mở mặt trận thứ hai, kéo theo nhu cầu về xăng dầu cho sản xuất, vận tải tăng lên. Việc thông báo hết hàng hoặc bán hạn chế xăng dầu không chỉ vi phạm pháp luật cạnh tranh (găm hàng chờ tăng giá), mà còn ngược với diễn biến thực tế và mục tiêu khi mở mặt trận thứ hai.

Một điểm lạ, trong một thời gian khá dài, giá xăng dầu thế giới giảm mạnh và đã có lúc xuống mức thấp ít ai ngờ tới, thì việc nhập khẩu xăng dầu của Việt Nam trong 5 tháng đầu năm 2020 so với cùng kỳ năm trước lại giảm sâu.

Lượng nhập khẩu giảm tới 19%, hay giảm 746 nghìn tấn; kim ngạch nhập khẩu giảm 46%, hay giảm 1.126 triệu USD; tính ra đơn giá nhập khẩu giảm 33,3%. Đó là các tốc độ giảm khá lớn.

Điều này là ngược chiều so với quy luật của kinh tế thị trường: Khi giá thấp hoặc đang trong xu hướng tăng thì tăng mua (tăng nhập khẩu); khi giá quá cao hoặc đang có xu hướng giảm, thì giảm mua (giảm nhập khẩu).

Phải chăng việc nhập khẩu xăng dầu trong 5 tháng qua đã để lỡ một thời cơ khi giá xăng dầu thế giới thấp; nay đang trong xu hướng tăng, nếu không tăng nhập khẩu thì có thể sẽ lại lỡ thời cơ tiếp. Có người cho rằng do sức chứa (kho), nhưng cùng kỳ năm trước còn nhập với khối lượng lớn hơn (có thông tin trước đây Trung Quốc đẩy mạnh mua dầu thô khi không còn đủ sức chứa đã đổ trở lại những mỏ đã khai thác hết).

Cũng có khó khăn cho người kinh doanh xăng dầu trong thời gian qua. Một mặt do nhu cầu tiêu dùng giảm khá mạnh; giá nhập khẩu thế giới giảm, nhưng giá bán ra vẫn còn cao, bởi các khoản quỹ bình ổn giá, thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế bảo vệ môi trường chiếm tỷ trọng khá cao, gần đây nhiều cửa hàng phải nhận mức chiết khấu thấp hơn bình thường,…

Mới đây, Nhà nước đã giảm một số khoản để giảm bớt khó khăn cho người kinh doanh xăng dầu và người sử dụng xăng dầu.

Nguồn: kinhtedothi.vn

Gọi điện thoại
02512201166
Chat Zalo